Cô gái 25 tuổi ở quận Đống Đa,ềlàmmẫutrêthieu nhi Hà Nội cho biết công việc khá đơn giản, chỉ cần liên tục thay các bộ đồ khác nhau, đứng cho khách xem và mua. Mọi công việc còn lại như mời chào, giới thiệu sản phẩm, báo giá và nhận "chốt đơn" là của chủ shop livestream.
"Tối nào tôi cũng đi làm mẫu khoảng 2-3 tiếng, cuối tuần thì 4-6 tiếng. Dù là nghề phụ, thu nhập cao hơn nghề chính", Dung nói.
Cô làm công việc này từ đầu năm 2022, thời điểm một mạng xã hội mới ra mắt tính năng cửa hàng (shop). Trước đó Dung chưa có kinh nghiệm làm mẫu thời trang, cô chỉ được trả 100.000 đồng một giờ. Về sau, cô đi học thêm kỹ năng tương tác bằng ánh mắt, nụ cười với khách để hỗ trợ người bán hàng chốt đơn và mức lương tăng dần lên.
Dung ví dụ, khi bán mẫu áo len, trong lúc người bán hàng giới thiệu sản phẩm, cô sẽ bộc lộ biểu cảm thích thú, hài lòng với sản phẩm, đứng gần camera để khách thấy được chất vải mịn, không gây ngứa. Nhiều lúc cô phải tự kéo giãn áo để chứng minh chất lượng sản phẩm cho khách. Khi khách chốt đơn, cô nở nụ cười tươi, vỗ tay khích lệ và cảm ơn.
"Có lúc trong phiên livestream không ai xem, mình vẫn phải diễn. Có khi khách yêu cầu thử đi thử lại hơn 50 bộ đồ trong mấy tiếng, khó chịu, mệt mỏi nhưng vẫn phải vui vẻ", Dung nói.
Phan Thị Hiền, CEO của một công ty chuyên cung cấp, đào tạo mẫu livestream, streamer trên các nền tảng thương mại điện tử cho biết nghề làm người mẫu trên livestream xuất hiện khoảng 5 năm trước nhưng một năm nay mới nở rộ, trở thành nghề "hot" của giới trẻ. Từ tháng 6 đến nay, công ty của chị Hiền đã tiếp nhận hơn 40.000 người đăng ký học và hành nghề.
"Một số bạn có ngoại hình, có kinh nghiệm diễn trước ống kính nhưng không muốn bán hàng, không có kinh nghiệm chốt đơn nên chuyển sang làm mẫu livestream", chị Hiền cho biết.
Nữ CEO cho biết, hiện nay yêu cầu của các nhãn hàng đối với người mẫu livestream đã cao hơn trước. Họ phải biết linh hoạt trong tương tác với khán giả, tư vấn kích thước, thậm chí cơ bản nhất là biết xưng hô với khách, tạo sự thân thiện với khách trẻ tuổi hay lễ phép với khách đứng tuổi.
"Sinh viên hay người muốn làm thêm công việc này có thể kiếm được từ vài trăm nghìn đến cả triệu đồng mỗi giờ, tùy vào khả năng, ngoại hình, độ uy tín", chị Hiền nói.
Nghề cung cấp dịch vụ mẫu livestream cũng giúp cho anh Đức Việt (29 tuổi, ở TP HCM) kiếm được khoảng hai đến năm triệu đồng phí giới thiệu mẫu hoặc hưởng 20% hoa hồng trong tổng doanh thu theo buổi hoặc theo tháng do mẫu bên anh Việt cung cấp và tham gia phiên live.
Chị Nguyễn Tố Như, 36 tuổi, chủ một shop thời trang ở Hà Nội cho biết từ ngày thuê mẫu livestream trên TikTok, doanh thu mỗi tháng đều tăng, có buổi bán được 200-300 triệu đồng.
"Để khách xem không nhàm chán, mỗi buổi tôi sẽ thuê một mẫu khác nhau, tốn thêm khoảng 3-4 triệu đồng cho phiên live 3-4 tiếng, chưa kể sẽ có trường hợp phải trả thêm 5-10% hoa hồng theo sản phẩm hoặc tổng doanh thu trong buổi live cho mẫu", chị nói.
Chị Như rút kinh nghiệm, nếu mới bắt đầu tập bán trên TikTok hay nền tảng khác, nên thuê mẫu livestream uy tín, có nhiều người biết đến để thu hút và kích thích khán giả xem và mua ủng hộ.
Dù thu nhập khá cao và ổn định, người mẫu livestream cũng gặp không ít bệnh nghề nghiệp. MC Lê Dung cho biết, phổ biến nhất là việc bị viêm da vì dị ứng bụi vải trên quần áo, sưng tấy bàn chân vì phải đi giày cao gót khoe dáng, hay ăn uống, ngủ nghỉ thất thường,
"Cũng muốn làm streamer trực tiếp bán hàng để được hưởng tiền hoa hồng cao hơn, nhưng tôi phải giữ giọng và sức khỏe để làm công việc chính", Dung nói.
Lê Thúy, 23 tuổi, một nhân viên văn phòng ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết cuối tuần cô thường đi làm mẫu livestream cho các shop mỹ phẩm, kính mắt, mức lương từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng một giờ. Cô liên tục phải dùng thử các sản phẩm cho khách xem, có hôm dùng phấn không hợp, Thúy bị dị ứng vài tháng sau da mới phục hồi.
Với các shop bán kính cô thường phải trang điểm đậm, đeo kính áp tròng (lens) để gương mặt thêm thu hút và nổi bật được màu kính khi đeo. Đặc biệt, dù là mẫu livestream, Thúy vẫn phải nắm được từng kiểu dáng mặt, màu da của khách để tư vấn kính phù hợp. Bán kính phải nhìn sát vào màn hình, nhiều khi đèn công suất lớn trong phòng live chiếu liên tục vào mặt khiến Thúy choáng váng, mắt mờ đi.
"Dù vất vả, từ khi làm nghề mẫu, tôi cũng hiểu biết nhiều hơn về lĩnh vực làm đẹp, chăm sóc khách hàng, tôi thấy mình tinh tế, tâm lý hơn chưa kể có thu nhập ổn định", Thúy nói.
Tiến sĩ Lê Hoành Sử, Đại học Kinh Tế - Luật TP HCM, thành viên Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam cho biết làm mẫu livestream là cơ hội kiếm tiền tốt nhưng chỉ là nghề trong ngắn hạn, muốn phát triển dài lâu, người làm nghề nên học hỏi thêm kỹ năng chốt đơn, giao tiếp với khách, thúc đẩy khách từ việc tư vấn cho đến bước mua hàng để có thể kiêm luôn việc bán hàng.
"Hiện tại nghề mẫu livestream chưa đòi hỏi nhiều kỹ năng có chiều sâu, nhưng trong hai, ba năm nữa mẫu cũng cần biết bán hàng", chuyên gia nói.
Sau hơn ba tháng làm mẫu livestream, Phương Thảo (24 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã bỏ công việc văn phòng để theo đuổi nghề này. Thảo nói mức lương 7 triệu đồng của nhân viên truyền thông không đủ chi trả sinh hoạt phí, tiền nhà. Làm mẫu, mỗi ngày livestream 4-5 tiếng, Thảo kiếm được hơn 20 triệu đồng mỗi tháng nhờ tài ăn nói lưu loát, gương mặt dễ mến.
Hiện tại cô đảm nhận thêm cả công việc bán hàng để hưởng thêm khoảng 20% tổng doanh thu mỗi buổi.
"Dù công việc này thường không có giờ cố định, phải linh hoạt theo shop nên vất vả hơn, tôi quyết định nắm bắt cơ hội kiếm tiền khi còn trẻ, còn có sức", Thảo nói.
Thanh Nga